Người Việt Nam có 2 cái tội tông truyền:
- Quên Kinh Dịch là của người Việt
- Một số người đọc thì lại đọc theo lối Tàu, lối Tây mà không biết đọc theo lối Việt Nho
Triết gia Lương Kim Định đã nói trong “Dịch Kinh Linh Thể”.
Cụ Phan Bội Châu trong tác phẩm “Quốc văn Chu dịch Diễn giải” đã nói rằng: “Người Đức đã đưa Kinh Dịch vào trong giáo khoa của họ. Người Nhật Bản cũng sử dụng những triết lý của Kinh Dịch để cải cách nước mình, làm cho Nhật Bản trở thành một cường quốc mà ai cũng biết”.
Việt Nam ta có lợi thế mà cũng có bất lợi với Kinh Dịch.
Có lợi là hơn 1000 năm dưới ách độ hộ của người Trung Quốc đã cho phép người dân Việt tiếp thu được cái hay của Kinh Dịch và hiểu rõ nó.
Cái bất lợi của việc này cũng chính là sự đô hộ của người phương Bắc. Đại bộ phận dân ta xem cái tinh túy của Kinh Dịch, chữ Nho là văn hóa của tầng lớp cầm quyền, dẫn đến căm ghét nó. Hễ có ai nghiên cứu về nó thì lại bị chụp mũ là theo kẻ xâm lăng.
Thêm một điều nữa, đã từ lâu Kinh Dịch là công cụ làm ăn của các thầy bói, vốn đem những sự huyền bí từ đời sống đưa vào làm cho nó mộng mị thêm.
Vì thế Kinh Dịch đã khó lại càng khó đi vào lòng người để giúp chúng ta tiếp cận nó.
Nếu chúng ta xem rằng Kinh Dịch là một triết lý Á Đông, một tài sản văn hóa của nhóm các dân tộc Đồng văn thì nó lại là một con đường rộng mở. Tuy nhiên, hầu như dân Việt Nam ngày nay đa số dùng chữ Quốc ngữ, có học ngoại ngữ thì cũng học các ngoại ngữ theo hệ phái La tinh, điều này là một rào cản để tiếp cận Kinh Dịch một cách triệt để.
Ngày nay, việc tiếp thu nền văn minh phương Tây được số hóa giúp cho chúng ta đi nhanh hơn, nhưng cái lý của nó thì chúng ta thường lơ là và không hiểu rõ. Đến khi có những biến cố xảy ra, chúng ta không lý giải được nguyên nhân của nó.
Kinh Dịch không phải là một tài liệu phục vụ cho bói toán, nó là một phương pháp luận, một khoa học thuần lý giúp cho chúng ta cũng cố từ gốc, phát triển bền vững. Việc nghiên cứu Kinh Dịch không phải là trách nhiệm của một cá nhân nào đó mà là trách nhiệm của cả dân tộc.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến” là câu nói nổi tiếng mà Bác Hồ đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi Bác lên đường sang Pháp năm 1946 để tìm một giải pháp hòa bình cho Việt Nam sau ngày độc lập. Câu nói này đã thể hiện sự tinh thông dịch lý của Bác.
Trong tình thế gian nan của đất nước ta thời ấy, thật khó khăn cho một người nguyên thủ có thể đưa ra một chỉ đạo cụ thể cho cấp phó của mình. Hơn nữa, Bác hiểu rất rõ cụ Huỳnh Thúc Kháng là một bậc túc Nho, chỉ cần một câu giao quyền như thế thì cụ sẽ biết xử lý thế nào cho hợp thời của đất nước. Cũng nhờ chính sự trao quyền đó mà trong suốt thời gian Bác ở Pháp thì đất nước được điều hành trong hòa bình và ổn định. Điều đó thể hiện sự “Đồng thanh tương ứng và Đồng khí tương cầu” của hai bậc túc Nho thời đó.
Bản thân tôi là một hậu sinh, vốn chữ nho ít ỏi, kiến thức Kinh Dịch còn hạn chế nhưng may mắn được “Lợi kiến đại nhân” và có những bằng hữu cùng chí hướng. Mong muốn của tôi là “kế minh chiếu vu tứ phương” để tiếp tục trao truyền các kiến thức sâu sắc mà tiền nhân để lại cho những người đi sau.
Để làm được điều đó, bản thân tôi và các bằng hữu phải luôn “thường đức hạnh, tập giáo sự” để nâng cao bản thân mỗi ngày. Bên cạnh đó cũng vẫn “hư thụ nhân”, mong chờ sự chỉ dạy từ những người vô tình “hàm” được, từ đó cùng nhau tiếp bước tiền nhân.
Con đường đi luôn có gập ghềnh, nhưng nếu không đi sẽ không bao giờ qua được gập ghềnh đó. Đích đến ở đây chúng tôi mong muốn không phải là một thành quả (cho cá nhân/nhóm cá nhân) mà là một con đường đi đến các thành quả to lớn cho dân tộc.
Sứ mệnh của Dịch Kinh Tân Biên không phải giúp bạn mà là cùng bạn đi qua con đường gập ghềnh đó.
Hãy chìa cánh tay của bạn ra và cùng chúng tôi dò dẫm những bước đi.
Tp.HCM tháng 09 năm 2024
Ngày 8 tháng 8 năm Giáp Thìn
Minh Chiêu – Lê Văn Trường