Kinh Dịch là một trong 10 tác phẩm nổi tiếng của Lịch sử Trung Hoa. Tác phẩm này được xem là một kho tàng kiến thức về mọi qui luật vận hành của Vũ trụ.
Nguồn gốc Kinh Dịch
Phục Hy là người phát minh ra lưỡng nghi, tứ tượng và bát quái. Sau đó ông hình thành nên 64 quẻ trong Kinh Dịch.
Tuy nhiên, lúc này các quẻ chưa có tên và chưa có lời bình cho nó.
Đến khoảng thế kỷ 11 trước công nguyên, Chu Văn Vương là người đặt tên cho sáu mươi tư quẻ và viết lời thoán cho từng quẻ. Lời thoán là văn tự mô tả về hiện tượng của quẻ đó và đưa ra dự báo về tính chất của quẻ đó như thế nào.
Con của Chu Văn Vương, một vương tử của nhà Chu, là Chu Công Đán, người đã nối nghiệp cha mình để viết ra lời hào. Mỗi lời hào là một tình huống nhỏ hơn của một quẻ.
Đến khoảng thế kỷ 6 trước công nguyên, Khổng Tử là người tiếp nối công việc của 3 thánh trước đây để làm cho Kinh Dịch trở nên dễ gần gũi hơn bằng cách thêm vào Thập Dực cho nó. Trong đó có Đại tượng truyện cho sáu mươi tư quẻ để khuyên con người nên hành động thế nào với mỗi quẻ.
Cấu tạo của Kinh Dịch
Kinh Dịch có sáu mươi tư quẻ, trong mỗi quẻ có 6 hào, tổng cộng có ba trăm tám mươi tư hào.
Trong mỗi quẻ được phân chia làm Thượng quái(3 hào trên) và Hạ quái(3 hào dưới).
6 vị trí của hào sẽ đọc từ dưới lên trên: Sơ, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ và Thượng.
Hào âm đọc là Lục, hào dương đọc là Cữu.
Ví dụ: ở vị trí sơ mà hào âm thì đọc là sơ Lục. Nếu là hào dương thì đọc là sơ Cữu.
Tương truyền Kinh Dịch có 3 phiên bản là Liên Sơn(Lấy quẻ Cấn làm gốc), Qui Tàng(lấy quẻ Khôn làm gốc) và Chu Dịch(lấy quẻ Kiền làm gốc). Nhưng hai phiên bản đầu đã bị thất truyền chỉ còn lại Chu Dịch.
Sự lan truyền của Kinh Dịch
Bộ Kinh Dịch trải qua nhiều thời đại và được chú giải đến ngày nay rộng khắp cả thế giới, người Âu châu tiếp xúc với văn hóa Đông phương, dịch sang tiếng nước họ. Khởi đầu việc này là người Đức.
Tại Trung Quốc trải qua nhiều triều đại có nhiều học giả bình luận, nhưng xuất sắc nhất là vào thời nhà Tống, gọi là Tống Nho.
Các tác giả Tống Nho rất xuất sắc có các tác giả: Trình Di, Trình Hạo, Chu Hy, Chu Đôn Di, Trương Hoành Cừ, Thiệu Khang Tiết…, trong đó xuất sắc nhất là hai anh em họ Trình.
Nên có câu nói: Cửa Khổng, sân Trình.
Kinh Dịch tại Việt Nam
Ở Việt Nam có rất nhiều danh sư như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn…rất tinh thông Kinh Dịch. Nhưng đất nước chúng ta thường bị phương Bắc lấn chiếm đô hộ, bắt, giết kẻ sĩ, tịch thu, đốt sách của Việt Nam nên bị mai một rất nhiều. Vì thế thế hệ sau ít được tiếp cận nhiều đến cái tinh hoa của Kinh Dich.
Thêm vào đó, ngày nay Việt Nam dùng chữ Quốc Ngữ trong giáo dục, việc không biết chữ Nho cũng là một rào cản trong việc tiếp cận Kinh Dịch.
Như vậy, Kinh Dịch là một tác phẩm có lịch sử trên bốn ngàn năm và nó vẫn còn có giá trị đến ngày nay. Đừng quan tâm nó đến từ nền văn hóa nào, nó của dân tộc nào mà hãy xem đó là một tài sản của nhân loại.