6 Cách dạy con – nhìn theo Kinh Dịch

6 Cách dạy con – nhìn theo Kinh Dịch

Dạy con luôn là điều mà các bậc cha mẹ phải đau đáu trong lòng vì không biết theo cách nào là tốt. Nhìn qua nước Nhật thấy con họ thành công thì theo Nhật. Nhìn qua Mỹ thấy con họ thành công thi theo Mỹ. Nhìn qua Do Thái thấy con họ thành công thì theo Do Thái. Cuối cùng con của chúng ta thành cục bột mà không gột nên hồ.

Trong khi đó, Kinh Dịch là một văn tự cổ của tiền nhân để lại, trong đó luận giải những vấn đề của cuộc sống, hãy tham khảo 6 cách dạy con sau đây mà tiền nhân đã để lại.

Kinh Dịch đã có gì để dạy con?

Kiền – Khôn tạo nên trời đất. Sau khi có trời đất thì vạn vật được sinh ra, vì mới sinh ra nên mọi vật còn hoang sơ và ngờ nghệch lắm. Đây là thời điểm mọi cái còn ngu muội, mù mờ, có thể xem một đứa trẻ được sinh ra cũng y như vậy. Đó là tượng quẻ Mông.

Tên đầy đủ của quẻ Mông là Sơn Thủy Mông.

Tượng của quẻ Mông là Núi ở trên, Nước ở dưới. Dòng nước chảy ra từ chân núi luôn là dòng nước mát, đang còn non yếu. Chừng nào nó tập hợp được nhiều nguồn khác thì mới mạnh lên.

Ngoài ra, Tượng quẻ Mông cũng cho thấy một người đang bị mắc kẹt. Trước là Núi chắn ngang, sau là Nước mênh mông. Đứng trước một tình huống như thế thì có 2 vấn đề:

  • Bởi vì mông lung nên mắc vào thế kẹt
  • Khi mắc vào thế kẹt thì lại mông lung

Như vậy, quẻ Mông hướng đến tình cảnh đang mù mờ, mông lung.

Tổng quan về quẻ Mông

6 Cách dạy con mà quẻ Mông đã chỉ ra

Trong mỗi quẻ của Kinh Dịch sẽ có 6 hào. Với 6 hào của quẻ Mông sẽ liên hệ với 6 cách dạy con.

Tình huống 1 – Phương pháp hợp lý

Lời hào: Phát Mông. Lợi dụng hình nhân. Dụng thoát trất cốc. Dĩ vãng lận.

Phát Mông: Có nghĩa là phá vỡ cái mông muội của con nhỏ.

Nhưng do những đứa con còn quá nhỏ, chúng nó sẽ thích chơi hơi thích học. Vì thể cần có các biện pháp phù hợp để giúp nó thoát khỏi những cái an toàn mà trước đó nó đã được hưởng, từ đó nó mới thoát khỏi cái gông cùm mà nó đang đeo(Dụng thoát trất cốc).

Đây là việc ông bà ta thường hay dùng câu: thương cho roi cho vọt. Một đứa trẻ còn nhỏ đôi khi phải dùng hình phạt với nó.

Biến quái của nó là Sơn Trạch Tổn. Quẻ Tổn tượng trưng cho sự hao tổn, tổn thất. Lời đại tượng truyện của nó là: Trừng phẩn trất dục. Vì thể dạy con phải nghiêm nhưng đừng quá giận dữ, vì giận quá sẽ mất khôn.

Tình huống 1 – Phương pháp hợp lý

Tình huống 2 – Tình yêu vô hạn

Lời hào: Bao mông cát. Nạp phụ cát. Tử khắc gia

Bao Mông là việc dạy dỗ phải có ý bao dung, đừng chỉ dùng các hình phạt và dạy theo kiểu cho có.

Nạp phụ cát: Nghĩa đen của vế này là cưới vợ thì tốt. Trong tình huống này, ngoài việc người vợ hoặc chồng dạy con thì phải có sự đồng hành của người bên cạnh.

Nếu là việc học ở nhà trường thì phải có sự đồng hành của các thầy cô và cả gia đình để tạo nên một người con tốt: từ khắc gia.

Biến quái của hào này là Sơn Địa Bác. Quẻ Bác chỉ ra rằng phải trau chuốt, gọt dũa những cái gì chưa tốt và phải “hạ an trạch”, vì con còn nhỏ lắm. Đừng quá căng thẳng với nó nữa.

Tình huống 2 – Tình yêu vô hạn

Tình huống 3 – Mong đợi hợp lý

Lời hào: Vật dụng thú nữ kiến kim phu, bất hữu cung. Vô du lợi.

Trong lời hào này không nói gì đến chữ Mông cả. Nó khuyên rằng khi lấy vợ đừng lấy một người phụ nữ mà họ chỉ kiếm chồng là người có tiền và họ không có một sự khiêm cung, cung kính nào cả. Đó là một người phụ nữ quá đề cao kim tiền, như vậy họ đã quá tính toán trong cuộc hôn nhân. Lấy phải một người vợ như thế thì chẳng có ích gì.

Trở lại việc dạy con, nếu người thầy bắt một đứa học trò học nhiều vì nó sẽ tạo ra thành tích cho mình, quả là không tốt. Và ngược lại nếu người học trò đặt việc học đó là một thành tích quá cao với mình thì chẳng có lợi gì.

Ở đây việc kỳ vọng vào việc dạy dỗ con cái là luôn phải có, nhưng tùy theo năng lực của con để đặt ra thành tích cho phù hợp mà thôi.

Biến quái của nó là Sơn Phong Cổ. Nói để Cổ là một căn bệnh nan y, nếu không thoát khỏi tình cảnh đòi hỏi quá cao sẽ lâm vào một trạng thái khó khăn trong tương lại.

Tình huống 3 – Mong đợi hợp lý

Tình huống 4 –  Hướng dẫn học tập

Lời hào: Khốn mông. Lẫn

Tình huống này là khó khăn lắm rồi. Đây là lúc cha mẹ quá kỳ vọng vào con. Khi thì đòi con học chữ, lúc bảo con học thêm nhạc, lúc thì học thêm võ. Rồi thi chuyên trường này trường nọ, thật là lẫn thẫn đó mà.

Biến quái của nó là quẻ Vị Tế. Vị tế là việc chưa tới đâu cả, đang con trên con đường đi mà thôi, nên còn gian nan lắm.

Lời đại tượng truyện của quẻ này khuyên: Thận biện vật cư phương.

Đấy, còn gì hơn khi đang khó khăn mà được một lời khuyên như thế. Nếu đang loay hoay tìm chưa ra cái gì tốt thì tốt nhất hãy dừng lại một chút, cẩn thận và sắp đặt lại những gì phù hợp với con, năng khiếu của con là gì để cho nó phát huy cho tốt. Con là con mà cha mẹ là cha mẹ, đừng bắt con thành cái bánh mà cha mẹ muốn có.

Tình huống 4 –  Hướng dẫn học tập

Tình huống 5 – Giáo dục sớm

Lời hào: Đồng Mông. Cát

Ông bà có câu:

“Dạy con từ thuở còn thơ

Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”

Ý ở đây là phải dạy con còn lúc nhỏ, lúc này đứa bé như tờ giấy trắng. Chúng nó tiếp thu mọi việc nhanh và khắc ghi những điều đã học.

Biến quái của nó là Phong Thủy Hoán. Quẻ Hoán là một tâm lý có sự thay đổi những cái cũ bằng cái mới, ham muốn tiếp thu được cái mới.

Một đứa trẻ còn nhỏ, đầu óc chưa có cái gì cũ thì việc đưa vào cái mới quá dễ dàng, vì thế tình huống này là tốt đấy.

Tình huống 5 – Giáo dục sớm

Tình huống 6 – Quản lý hành vi

Lời hào: Kích mông. Bất lợi vi khấu. Lợi ngự khấu.

Biến quái của hào là quẻ Sư. Sư có nghĩa là số đông, lúc này cái mông chồng thêm cái mông khác. Một đứa trẻ đã học kém lại bỏ học, chơi game, tụ tập bạn bè đánh nhau. Ôi một tình huống dỡ khóc dỡ cười của các bậc làm cha mẹ.

Thông thường trong những tình huống này, các bậc cha mẹ lại giận dữ, la mắng và thậm chí là đánh con, đuổi ra khỏi nhà(Kích mông). Một đứa con mà chuyện gì cũng dám làm thì việc không gia đình thì có gì phải sợ. Chính vì thế, tiền nhân lại khuyên: Bất lợi vi khấu, lợi ngự khấu. Có nghĩa là không có lợi gì khi đối đầu với nó, mà cần phải ngăn chặn nó.

Trong biến quái của nó quẻ Sư cũng nói lên rằng, nếu gặp tình huống này bạn phải có sự hiệp sức của nhiều người như anh em, gia đình nội ngoại, kể cả xã hội. Nhưng làm sao để con chúng ta không bị trở thành một Khấu(kẻ cướp).

Tình huống 6 – Quản lý hành vi

6 cách dạy con – Nên bắt đầu tư đâu?

Trên đây đã đưa ra 6 tình huống mà một bậc cha mẹ có thể sẽ phải gặp khi dạy con cái, và mỗi tình huống thì có một giải pháp cho vấn đề.

Và đôi lúc bạn phải áp dụng nhiều hơn 1 tình huống vào công tác giáo hóa này, để mong con trưởng thành và nên người.

(Minh Chiêu – Lê Văn Trường)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *